Tác giả: Trần Bá Hoàng
Lập trình Scratch là công cụ tuyệt vời giúp trẻ phát triển tư duy logic, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Với giao diện trực quan và dễ sử dụng, phần mềm này cho phép người học thoải mái sáng tạo, phát triển kỹ năng lập trình. Cùng tìm hiểu chi tiết về lộ trình tự học Scratch từ những khái niệm cơ bản đến việc phát triển dự án hấp dẫn dưới đây nhé!
Lập trình Scratch là gì?
Lập trình Scratch là một công cụ lập trình trực quan giúp người dùng tạo ra những câu chuyện tương tác, trò chơi nhanh chóng. Phát triển bởi MIT, Scratch được thiết kế với mục tiêu giúp mọi người, đặc biệt là đối tượng trẻ em có cơ hội học lập trình đơn giản và thú vị.
Hiện phần mềm Scratch đã xây dựng thành công một cộng đồng sáng tạo lớn mạnh. Bạn có thể chia sẻ các dự án của mình cùng những người khác trên toàn thế giới,. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm từ dự án của họ và cùng nhau tạo ra những điều tuyệt vời.

Lộ trình tự học lập trình Scratch online cho người mới
Để giúp bạn bắt đầu hành trình khám phá lập trình Scratch online hiệu quả, dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn lộ trình tự học cho người mới. Từ các bước cơ bản nhất đến việc tạo ra sản phẩm độc đáo.
Làm quen giao diện
Đầu tiên, bạn cần truy cập vào website chính thức hoặc tải Scratch về máy tính. Giao diện của phần mềm này rất đơn giản và thân thiện, bao gồm những phần chính như sau:
- Khung điều khiển: Cho phép người dùng kiểm soát quá trình làm việc của mình. Ở đây, bạn có thể bắt đầu, dừng hoặc khởi động lại chương trình, lưu dự án của mình và thực hiện nhiều thao tác khác.
- Cửa sổ lệnh (Code Panel): Nơi bạn sẽ tạo ra kịch bản để điều khiển nhân vật của mình. Bằng cách kéo và thả các khối lệnh vào đúng vị trí và nhân vật sẽ thực hiện theo những gì bạn đã lập trình.
- Sân khấu (Stage): Khu vực hiển thị nhân vật, chứa phông nền hoặc ảnh nền. Khi nhấn nút “Xem trước”, sân khấu sẽ trở thành màn hình hiển thị tác phẩm của bạn.
- Nhân vật (Sprites): Những diễn viên chính trong dự án trên lập trình Scratch. Bạn có thể chọn từ thư viện nhân vật có sẵn hoặc tự tạo nhân vật của riêng mình.
- Ảnh nền/phông nền (Backdrop/Background): Đây là các hình ảnh hoặc màu sắc được dùng vào việc thiết lập giao diện cho Sân khấu.

Khám phá các khối lệnh trong Scratch
Sau khi đã làm quen giao diện, bước tiếp theo chúng ta cần hiểu rõ về các khối lệnh trong code Scratch. Tương tự như việc lắp ghép các mảnh lego, bằng cách kết hợp khối lệnh với nhau giúp tạo ra chương trình hoạt động theo ý muốn của bạn.
- Di chuyển (Motion): Điều khiển nhân vật di chuyển, xoay, nhảy và thực hiện nhiều hành động khác trên sân khấu. Ví dụ: Di chuyển 10 bước, quay 15 độ, nhảy đến tọa độ X:100 Y:200.
- Tạo hình (Looks): Thay đổi ngoại hình của nhân vật về màu sắc, chỉnh sửa kích thước, thêm ảnh nền hoặc tạo hiệu ứng động,…
- Sự kiện (Event): Các khối lệnh trong lập trình Scratch ở mục Sự kiện cho phép đối tượng phản hồi và thực hiện hành động khi có sự kiện diễn ra. Bao gồm: Bắt đầu phát (When flag clicked), Khi được nhấn (When key pressed), Lúc va phải (When collided with),…
- Kiểm soát (Control): Điều khiển luồng thực hiện của chương trình như lặp lại vô hạn, đặt các nhánh rẽ, tạo biến số, dừng,…
- Cảm biến (Sensing): Trong code Scratch phiên bản 3.0, khối lệnh Cảm biến có thể thu thập thông tin từ môi trường như khoảng cách, màu sắc, nhập liệu từ người dùng.
- Các biến (Variables): Lưu trữ và sử dụng dữ liệu trong chương trình gồm điểm số, số lượng sinh mạng. Bạn cũng có thể đặt tên cho biến bằng bộ khối lệnh “Make a Variable” hoặc “Make a List”.
- Khối của tôi (My Blocks): Cho phép người dùng tự tạo khối lệnh riêng cho mình thông qua việc kết hợp cùng những khối lệnh có sẵn. Bạn có thể tái sử dụng khối lệnh mới nhằm giảm thiểu mã lặp lại, tăng tính sáng tạo cho việc lập trình.

Tạo dự án đầu tiên trên Scratch
Muốn tạo dự án bằng Scratch, bạn cần đăng nhập tài khoản lập trình Scratch tại website chính thức. Sau đó, nhấn vào nút “Create” hiển thị trên giao diện phần mềm để bắt đầu quá trình. Những bước thực hiện tiếp theo:
- Thêm đối tượng mới: Bằng cách nhấn nút “Choose sprite”, người dùng có thể thêm đối tượng mới vào dự án. Scratch có cung cấp sẵn danh sách đối tượng mặc định cho bạn lựa chọn.
- Chọn hiệu ứng âm thanh: Muốn thêm hiệu ứng âm thanh, bạn chỉ cần nhấn vào biểu tượng hình tròn phía trên bên phải màn hình. Nhấn tiếp “Sound” và chọn âm thanh phù hợp trong thư viện của Scratch.
- Tạo phông nền: Đặt phông nền cho dự án trên phần mềm Scratch rất đơn giản. Trên thanh công cụ, bạn nhấn nút “Backdrops”. Hiện Scratch cung cấp một số phông nền mặc định hoặc người dùng có thể tự tạo background tùy chỉnh.

Thiết lập kịch bản phù hợp cho dự án
Sau khi đã hoàn thành các bước tạo dự án bằng lập trình Scratch, chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng khối lệnh để thiết lập kịch bản. Các bước thực hiện chi tiết:
- Nhấn vào nhân vật: Trên sân khấu, bạn sẽ thấy các nhân vật. Hãy nhấp vào Sprites mà bạn muốn thiết lập kịch bản.
- Chọn các khối lệnh: Bên trái sân khấu là thư viện các khối lệnh, được chia thành từng nhóm. Muốn thêm một khối lệnh vào kịch bản, người dùng chỉ cần kéo khối lệnh đó từ thư viện và thả vào vùng kịch bản của nhân vật. Hoặc đặt chúng vào mục “Khối của tôi” tránh rườm rà khi muốn sử dụng lại khối này.
- Kiểm tra kịch bản: Nhấn nút Xem trước để kiểm tra lại kịch bản của mình. Nếu bạn muốn lưu thì chọn Tên dự án và chọn Lưu.

Khởi chạy dự án trong lập trình Scratch online
Để khởi chạy dự án Scratch, bạn nhấn nút Xem trước (Preview) ở góc trên cùng bên phải sân khấu. Ngay lập tức, các nhân vật sẽ bắt đầu thực hiện hành động theo đúng trình tự mà bạn đã lập trình trong phần kịch bản.
Nếu muốn tạm dừng chương trình để kiểm tra hoặc điều chỉnh, hãy nhấn nút Dừng (Stop). Sau khi đã hoàn thiện dự án, bạn có thể chia sẻ tác phẩm của mình với mọi người bằng cách xuất file dự án lưu về máy hoặc chia sẻ trực tiếp lên nền tảng Scratch.

Tiếp tục với các dự án nâng cao khác
Hoàn thành dự án lập trình Scratch cơ bản đầu tiên xong, bạn sẽ tiếp tục với những dự án nâng cao hơn giúp mở rộng kiến thức và kỹ năng lập trình. Cụ thể như sau:
- Cải thiện dự án đầu tiên bằng cách thêm tính năng mới và sửa lỗi.
- Bắt đầu tạo trò chơi có nhiều cấp độ và thử thách hơn.
- Hiểu cách sử dụng biến và danh sách nhằm quản lý thông tin trong trò chơi.
- Tạo các nhân vật trong trò chơi với hành vi thông minh hơn (AI cơ bản).
- Sử dụng Scratch tạo ra câu chuyện tương tác hoặc hoạt hình.
- Học cách dùng và tạo khối lệnh tùy chỉnh (My Blocks) để quản lý mã lệnh hiệu quả.
- Tham gia và học hỏi từ cộng đồng Scratch giúp phát triển kỹ năng lập trình.
Lời kết
Hy vọng, với hướng dẫn chi tiết về lộ trình học lập trình Scratch cho người mới bắt đầu trên đây sẽ giúp bạn nắm vững kiến thức cơ bản và hoàn thành các dự án đầu tiên. Hãy tiếp tục khám phá, thử thách bản thân bằng những dự án mới và không ngừng học hỏi từ cộng đồng Scratch để nâng cao kỹ năng nhé!